CHIẾN BINH CẦU VỒNG
Phan_17
Chương 32 - Thư ký của câu lạc bộ những người chuộng ma HỌ TỰ GỌI MÌNH là Societeit de Limpai, hay đơn giản hơn: Hội Limpai.
Limpai là một con vật huyền thoại siêu nhiên và đáng sợ trong thần thoại Belitong. Đây là một truyền thuyết thú vị, vì nhiều câu chuyện dân gian đưa ra nhiều định nghĩa trái ngược nhau về sinh vật thần bí này. Cư dân vùng biển cho rằng đây là một nàng tiên sống trên núi. Dân miền núi tin rằng đây là một con vật giống như voi ma mút, khổng lồ, màu trắng. Người Mã Lai sống ở đồng bằng thì lại cho rằng đây là một cơn gió - một cơn gió mà nếu nổi lên thì có thể quật đổ cây và khiến cho lúa ngã rạp hết. Ở các vùng xa xôi hẻo lánh, Limpai có nghĩa là bogey, một con ma màu đen khổng lồ. Thế hệ sau thì không đồng ý với bất kỳ quan điểm nào nói trên. Theo họ, Limpai là một huyền thoại hiện đại, một thần ác mộng hay một điềm báo về cái chết có thể hóa thân thành bất kỳ thứ gì.
Những điều này đều là hiểu lầm cả, bởi vì câu chuyện về Limpai thực ra có những căn cứ hẳn hoi từ những lời giáo huấn của người Belitong cổ xưa truyền từ đời này sang khác để người ta không khai thác rừng và nguồn nước bừa bãi. Những lời giáo huấn đó có một sức mạnh đầy thuyết phục, khiến người ta sợ bị gặp chuyện xấu vì rừng và nước được ma Limpai canh giữ.
Những người lớn được học hành coi Limpai chỉ đơn thuần là mối hoang mang lởn vởn trong đầu những kẻ ăn không ngồi rồi ngu đần, yếu bóng vía, chẳng có việc gì làm; Limpai là vậy đó.
Societeit hoạt động rất bí mật. Người ta không biết họ họp khi nào và ở đâu, hay họ bàn bạc những gì. Nếu tình cờ bị bắt gặp, họ sẽ nhanh chóng đổi đề tài và thậm chí còn giả vờ không biết nhau nữa. Đó là cách họ che giấu hoạt động của mình. Chẳng phải vì họ làm nhiệm vụ gì nguy hiểm, gây bạo loạn, hay phạm pháp. Chỉ là để tránh con mắt dòm ngó soi mói về tính chất vô lý của hội. Societeit chẳng qua chỉ là một nhúm người vô dụng quá sùng bái thế giới huyền bí mà thôi.
Có chín thành viên trong Societeit. Để gia nhập hội này cần đạt được những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt. Thành viên lớn tuổi nhất của tổ chức, một trưởng cảng về hưu, tuổi năm bảy. Những thành viên nhỏ tuổi nhất là hai đứa quãng mười hai mười ba tuổi. Sáu người còn lại gồm có một nhân viên thu ngân tại chi nhánh ngân hàng Indonesia ở Rakyat, một người Hoa làm nghề mạ vàng, một người thất nghiệp, một người chơi electone không vợ con, một người đang học ngành điện thì bỏ giữa chừng về mở tiệm bán xe đạp, và Mujis anh nhân viên phun thuốc diệt muỗi.
Điều lạ nhất là chủ tịch câu lạc bộ Societeit lại là thành viên nhỏ tuổi nhất. Nó là người sáng lập ra tổ chức này và được các thành viên khác nể trọng bởi nó rất am hiểu về thế giới huyền hoặc và thu thập được không biết bao nhiêu chuyện tào lao cùng bao nhiêu tin tức lẩn thẩn. Nó là thằng Mahar chứ chẳng phải ai xa lạ. Còn một đứa nhóc nữa mà tôi nói lúc trước, dĩ nhiên là con Flo rồi.
Societeit hoạt động rất sôi nổi. Họ tiến hành những cuộc thám hiểm đến những nơi xa lạ, tìm hiểu những điều huyền bí, dựng lại bản đồ những địa danh trong thần thoại Mã Lai. Xét theo một góc độ nào đó, họ là những cá nhân dũng cảm nóng lòng muốn xới tung những bí mật của địa hạt huyền bí này với một thái độ hoài nghi không suy suyển - họ không tin vào bất kỳ điều gì trừ phi chính mắt họ trông thấy hay sờ thấy.
Thằng Mahar và con nhỏ Flo khôn khéo lấy Limpai làm tên của băng nhóm đó. Vì con vật ấy mang tính ẩn dụ nến tùy theo cách nhìn nhận của từng người mà hội Societeit có thể được xem như một nhóm nhà khoa học dở người hay những kẻ dị giáo. Triết lý của tổ chức này cũng có nhiều cách hiểu, hệt như Limpai vậy.
Họ tiến hành hoạt động với sự hỗ trợ của thiết bị điện tử. Dưới sự giám sát của anh thợ điện nửa mùa, họ lắp ráp một máy dò điện từ trường có thể đọc được những làn sóng trong tầm quan sát dao động từ hai đến bảy miligauss và họ tin rằng đó là khoảng cách có thể quan sát được các hoạt động tâm linh. Họ cũng chế tạo một cái cảm biến tần số có thể phát hiện được những tần số cực thấp, dưới 60 Herzt. Theo cách suy nghĩ lạ lùng của họ, đó là dải tần số ma cà rồng trò chuyện. Họ cũng trang bị cho mình hương trầm, lô hội, bùa ngải bằng trứng thằn lằn chúa và một con gà mái hoang, những thứ được cho là có thể phát hiện nhanh nhất dấu hiệu của ma quỷ.
Một lần, họ đến rừng Genting Apit, nơi rùng rợn nhất Belitong. Khu rừng đó ẩn chứa hàng ngàn câu chuyện kỳ quái, và câu chuyện mà người ta hay nói tới nhất là hiện tượng sương mù ngoại chất. Làn sương mù lầm rầm gì đó rồi tự nhiên - có thể là một cách kỳ quái - biến thành hình dạng con người, động vật, hay người khổng lồ. Chẳng hiếm người đã chụp được những hình ảnh đó bằng máy ảnh thông thường. Nhiều người cảnh báo các tay lái xe đi xuyên qua khu vực Genting đừng có nhìn vào gương chiếu hậu vì những con ma thung lũng thường xin quá giang ở băng ghế sau. Đây chính là nơi có những chuyện khủng khiếp được Societeit tiến hành nghiên cứu.
Nói cho gọn là, tổ chức bí mật này rất bận rộn và cần lên kế hoạch về hành chính, quỹ và những thành viên chủ chốt - họ cần một thư ký.
Khi thằng Mahar đề nghị tôi đảm nhận vị trí ấy, tôi lập tức chộp lấy cơ hội. Cho dù chẳng được trả gì ráo, tôi vẫn cảm thấy thật vinh dự vì được bổ nhiệm làm thư ký cho một tổ chức có những thành viên là bạn bè với ma. Tôi cũng sung sướng vì lời đề nghị ấy cho thấy tôi có đủ phẩm giá để có thể giữ quỹ. Ít ra thì điều đó có nghĩa là tôi được tin tưởng dù chỉ bởi những người có đầu óc không bình thường. Nào, bạn tôi ơi, nếu như công việc trên có thể được gọi là một nghề thì lồng ngực tôi giờ đây đang căng tràn niềm kiêu hãnh – làm thư ký cho tổ chức vô hình, tổ chức Societeit de Limpai, là nghề đầu tiên của tôi.
Công việc của tôi đơn giản, có thể xếp gọn trong một cuốn sổ ghi chép. Trách nhiệm của tôi là lưu phí hội viên, giữ tiền, ghi chép những món đồ cá nhân mà các thành viên bán hay đem cầm để mua thiết bị và chi phí đi lại. Những nhiệm vụ khác, theo lệnh của hai chủ nhân - Flo và Mahar - là sắp xếp những cuộc họp kín và rót trà phục vụ thành viên tham dự cuộc họp. Với công việc này, gọi tôi là bồi bàn mới thật công bằng.
Mỗi khi từ các cuộc hành trình bí ẩn trở về, Flo và Mahar luôn mang về trường những câu chuyện lý thú và hồi hộp. Một ngày, hai đứa đó kể cho chúng tôi nghe rằng ở giữa một khu rừng rậm tối tăm, tụi nó phát hiện ra một số ngôi mộ, kích thước 3x8 mét, khoảng cách giữa các bia mộ ít nhất là năm mét. Vì Mahar tin rằng khoảng cách đặt các bia mộ phải bằng chiều dài từ đầu đến chân, nên có thể suy ra rằng các xác chết được chôn dưới những ngôi mộ này đều là những người khổng lồ dị thường.
Flo bắt đầu câu chuyện bằng việc cho chúng tôi xem những cái đĩa và ấm vỡ gần những ngôi mộ đó. Nó hùng hồn tuyên bố rằng nó ngủ gần những bia mộ nhất và chẳng thấy sợ tẹo nào. Nó kể lại cái trải nghiệm rợn tóc gáy đó cho chúng tôi nghe như thể nó đang kể một giai thoại sinh động về con mèo Ba Tư nhà nó vậy. Tôi muốn nói với nó rằng không phải những món khảo cổ nó tìm được bị vỡ mà chính thần kinh của nó bị vỡ mới đúng.
Tuy thế, phiên bản của Mahar lôi cuốn hơn nhiều. Nó thêm thắt nhiều chi tiết và mối quan hệ giữa những ngôi mộ khổng lồ đó với Belitong và giả định của các nhà khảo cổ học nổi tiếng như Barry Chamis và Harold T. Wilkins. Những nhà khảo cổ này tin rằng đã có thời trên trái đất tồn tại những người khổng lồ đi lang thang.
Mahar rút ra một suy luận hợp logic và vô cùng thú vị: Dựa vào những hầm mộ Belitong, sọ người pasnuta khổng lồ được tìm thấy ở Omaha và những khung xương không hoàn chỉnh được khai quật từ một khu mộ cổ ở cao nguyên Golan, suy ra đã từng có người cao tới sáu mét.
Những câu chuyện của Mahar luôn chứa đựng kiến thức. Có thể nó là một thằng nhóc lập dị kỳ quái cùng một lúc có thể đặt chân trên hai lãnh địa, chân này ở bên hiện thực, chân kia bên tưởng tượng, nhưng rõ ràng nó là đứa sáng dạ, vừa có kiến thức rộng về thế giới huyền bí siêu linh vừa có lối tư duy chặt chẽ.
Flo và Mahar ngồi vắt vẻo trên một nhánh thấp của cây filicium, hệt những nhà truyền giáo từ một ngôi đền Sikh, trong khi đó, chúng tôi - đội Chiến binh cầu vồng, ngồi chồm hỗm thành vòng tròn nhướng những cặp mắt hau háu tròn xoe lắng nghe những câu chuyện về thế giới huyền bí của hai đứa nó.
Câu chuyện hồi hộp nhất là về cuộc thám hiểm đến một cái hang trên một hòn đảo xa xôi biệt lập.
“Hai đứa tao thám hiểm cái hang đó. Khi giơ cái đèn lên, tụi tao kinh ngạc khi trông thấy một bức họa thuộc thời đồ đá cũ vẽ những người không mặc quần áo gì cả đang ăn sống tụi dơi trong hang,” Flo nhớ lại.
Chi tiết gây sửng sốt chưa phải là việc tìm thấy bức họa mà là, theo Mahar, đó là tiếng thì thào phát ra từ bức họa thời đồ đá cũ kia khi nó đang thiu thiu ngủ.
“Lemuria, Lemuria,” thằng Mahar rền rĩ. “Những bức họa đó rít vào tai tao như tiếng con rắn manau ấy. Tụi mày có biết huyền thoại về Lemuria không đấy?” Mahar run lên sợ sệt.
“Tiếng thì thào đó đến tai tao như một điềm báo trước. Ấy là dự báo kinh hoàng rằng một thế lực ở Belitong sẽ sớm bị sụp đổ!”
Cách hành xử của thằng Mahar luôn khiến chúng tôi thấy bối rối, khó hiểu, thậm chí thỉnh thoảng khó chịu nữa.
Nó thích phóng đại. Chỉ cần nói chuyện vài phút đã biết nó là một đứa mơ màng viển vông thuộc hạng số zách với một thế giới riêng trong đầu. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thỉnh thoảng những câu chuyện vô lý của nó chẳng sớm thì muộn cũng được chứng minh là đúng - mà điều này thì lặp đi lặp lại luôn.
Vậy nên tôi nghe những câu chuyện của nó hết sức chăm chú và nghiêm túc. Liệu người Belitong có biến mất như người Babylon và Lemuria không? Điều làm tôi sợ hãi là Lemuria. Nhiều người tin rằng câu chuyện về Lemuria không hơn gì một câu chuyện cổ tích, chỉ giống như Atlantis thôi. Tuy vậy, nếu tiên đoán của Mahar là đúng thì liệu câu chuyện về Lemuria có đúng không? Thế giới rùng rợn lemures ám ảnh tôi. Lemures, nguồn gốc của cái tên Lemuria có nghĩa là những linh hồn biến mất. Thảm họa nào treo lơ lửng trên đầu dân đảo Belitong?
Ở thế giới kia, cô Mus đang bấn lên vì chiều hướng phát triển của Mahar. Nó sa đà vào một thế giới huyền bí, chứ không phải nghệ thuật, trong khi nhẽ ra kế hoạch A của nó phải là nghệ thuật kia. Cùng với sự có mặt của con nhỏ Flo, nguy cơ phí hoài tài năng đó đang tăng lên.
Và hôm nay, cô Mus thật sự đau hết cả đầu - cô nhận dược một lá thư từ PN cho biết phải dừng tất cả các hoạt động dạy và học tại trường lại vì ba cái máy xúc sắp được đưa tới để khai thác thiếc bên dưới ngôi trường. Chương 33 - Lý Tiểu Long làm tổng thống THIẾT BỊ được đưa tới. Công nhân xây dựng bắt đầu dựng lán trại quanh trường cho cu li. Tiếng gầm rú của những cái mái xúc tới mỗi lúc một gần khiến chúng tôi ngơ ngác lo sợ.
Dù đã được báo trước, cô Mus vẫn kiên quyết lên lớp dạy chúng tôi. Thỉnh thoảng cô phải gào lên khi giảng bài để át đi tiếng ồn phát ra từ mớ máy móc bên ngoài.
Cô Mus đã trả lời lá thư cảnh báo từ PN bằng cách khẩn cầu người đứng đầu PN đừng cho giật đổ trường chúng tôi. Cô cũng xin được gặp trực tiếp ông ta. Lá thư của cô chẳng được ai để ý mảy may.
Chúng tôi đối mặt hết thử thách này đến thử thách khác. Trách nhiệm nặng nề nhất đặt hết cả trên vai cô Mus. Từ khi thầy Harfan qua đời, cô có trách nhiệm dạy tất cả các môn, giải quyết tất cả những khó khăn về tài chính, chuẩn bị cho các kỳ thi, đối mặt với lời đe dọa của ông Samadikun, và giờ là khó khăn lớn nhất: mối đe dọa từ những cái máy xúc. Người thiếu nữ ấy phải một thân một mình đối mặt với tất tất cả.
Mặc dù chúng tôi đang vấp phải tình huống nan giải ấy, cô Mus vẫn ngẩng cao đầu. Nếu chúng tôi thấy bi quan cô sẽ cùng chúng tôi nói chuyện về hai cái cúp và nhắc cho chúng tôi nhớ rằng đó là phần thưởng dành cho những người không lùi bước trước khó khăn thử thách. Chúng tôi được lên tinh thần và tiếp tục vui vẻ học tập cùng cô Mus.
Nhưng tâm trạng vui vẻ không kéo dài được là bao, bởi vì ngay sau đó chúng tôi nghe thấy tiếng xe phành phạch. Ông Samadikun!
Chúng tôi nhốn nháo chuẩn bị nghênh tiếp ông ta. Cô Mus vội sắp xếp mọi thứ đâu ra đấy. Chuyến thanh tra lần cuối của ông Samadikun khiến chúng tôi rất lo lắng giờ rốt cuộc đã đến. Nếu thất bại, chúng tôi sẽ không phải đợi những cái máy xúc làm phần việc của mình. Vận mệnh của chúng tôi nằm cả trong tay ông Samadikun.
Tuy nhiên, lần này chúng tôi thấy lạc quan hơn. Mọi thứ đều đã có: tủ y tế, dù chí có mỗi một loại thuốc APC và xi rô chiết xuất từ sâu. Một chiếc bảng đen và khăn lau mới được mua bằng tiền thưởng đợt lễ hội hóa trang vừa rồi. Nhà vệ sinh, chẳng rộng rãi gì mấy - chỉ vừa đủ một cái thùng chôn bên dưới - có nghĩa là bọn học trò chúng tôi không còn phải lủi vô bụi mỗi khi thấy buồn nữa, ổn.
Áo sơ mi đứa nào cũng đủ cúc. Tóc chải gọn gàng. Đứa nào cũng có dép, dù chỉ là đôi cunghai làm từ lốp xe ô tô. Không đứa nào mang ná cao su. Quần áo vẫn còn bẩn tí chút - đó là quần áo của tôi, Kucai và Syahdan - nhưng chỉ có vài vệt nhựa cây mờ mờ. Bảng điểm của Harun cũng đã được chuẩn bị xong. Chúng tôi đã cố dạy cho Harun rằng câu trả lời chính xác cho phép tính hai cộng hai là bốn. Nhưng mỗi chúng tôi đố câu ấy, cậu ấy vẫn cứ giơ lên ba ngón tay.
Cô Mus đã hoàn tất các yêu cầu khó khăn của ông Samadikun: máy tính, com pa, bút chì. Cô có thể mua đuơc một vài cái com pa và bút chì bằng tiền công may vá của mình. Và vì máy tính đắt quá nên thay vì đó cô chỉ mua một cái bàn tính. Tuy nhiên điều quan trọng là giờ chúng tôi dã có hai chiếc cúp mà chắc hẳn sẽ gây ấn tượng cho ông Samadikun.
Cô Mus bảo chúng tôi chuyển cái tủ trưng bày từ trong góc ra đặt gần bàn cô để ông Samadikun có thể trông thấy hai chiếc cúp được rõ. Sahara chạy như bay ra giếng và trở về với một cái giẻ lau và chiếc xô. Nó hì hụi lau chùi tủ để hai chiếc cúp được trông thấy rõ hơn.
Giờ chúng tôi đã sẵn sàng chào đón ông Samadikun. Cô Mus cho chúng tôi xếp thành hai hàng, một bên trái, một bên phải tủ trưng bày, thậm chí cô còn dạy chúng tôi mỉm cười hãnh diện khi nhìn hai chiếc cúp nữa kia. Hai chiếc cúp là minh chứng chính cho ông Samadikun thấy được nỗ lực của chúng tôi mà thôi cái ý định đóng cửa trường đi.
Chúng tôi thấy căng thẳng lắm nhưng đã sẵn sàng. Cô Mus cười thật tươi. Cô nhìn quanh để xem có bỏ sót thứ gì không. Đột nhiên, cô khựng lại khi nhìn lên chỗ tường bên trên tấm bảng đen. Trông cô như thể thấy ma. Gương mặt sáng hồng bỗng trở nên tái đi. Chúng tôi nhìn theo hướng mắt cô. Ôi không! Chúng tôi ngay lập tức nhận ra rằng chúng tôi đã quên mất những tấm ảnh Tổng thống, phó Tổng thống và quốc huy Garuda Pancasila!
Chuyện là do chúng tôi chưa nhận được những thư ấy từ Cabaya Abaani, cửa hàng cung cấp trang thiết bị trường học ở Tanjong Pandan. Chúng tôi cũng đã hết lần này tới lần khác đến hỏi ông chủ tiệm về mấy thứ đó nhưng ông ta bảo tiệm không còn và đang chờ chuyến hàng mới từ Jakarta.
Những tấm ảnh ấy là yêu cầu quan trọng nhất. Không có các ảnh ấy, coi như mọi thứ khác chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Ông Samadikun sẽ không nghe lời phân bua từ chúng tôi. Đối với ông ta, rõ ràng chúng tôi đã quá cẩu thả.
Tiếng động cơ phành phạch ngừng hẳn. Ông Samadikun sắp sửa bước vào. Mới một lúc trước chúng tôi đã sẵn sàng là thế mà giờ đây ai nấy đều ủ rũ vô vọng. Cô Mus đứng ngẩn ngơ. Con nhỏ Sahara nức nở khóc. Lớp trưởng Kucai thở dài thườn thượt. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để đáp ứng yêu cầu của ông Samadikun và thắng được hai chiếc cúp, vậy mà những thứ đó giờ thành công toi. Trường chúng tôi không thể tránh khỏi bị đóng cửa dưới bàn tay ông Samadikun.
Chúng tôi có thể nghe thấy ông ta dựng chiếc mô tô. Ông ta sắp bước vào lớp rồi. Chúng tôi đang đứng bên bờ vực thẳm. Đột nhiên, đung lúc tình hình đang hồi gay cấn, thằng Mahar nhảy thốc lên bàn rồi cứ thế chạy băng băng qua dãy bàn. Rồi, hệt một con khỉ, nó bám một tay vào tường, tay kia gã tấm áp phích hình Lý Tiểu Long và John Lenon cùng ảnh cưới cha mẹ Trapani, và giật ra luôn hết mấy cái đinh. Chúng tôi trố mắt ra nhìn, ngẩn tò te; Thằng Mahar quay lại, lại chạy băng băng qua dãy bàn, rồi nhảy ầm ầm chộp lây miếng giẻ lau bảng. Đứng trên bàn, nó nhón chân hết cỡ, người áp sát bảng, khéo léo treo mấy tấm áp phích lên trên tấm bảng đen. Nó cầm tấm giẻ đóng đinh.
Thằng Mahar treo mấy tấm áp phích theo hình tam giác giống như cách người ta treo những biểu tượng về lòng yêu nước của chúng tôi vậy. Ở đỉnh tam giác, vị trí dành cho quốc huy Garuda Pancasila, nó treo ảnh cưới của cha me Trapani. Góc phải là ảnh Lý Tiểu Long đang mỉm cuời thể hiện quyền lực của Tổng thống. Cuối cùng là John Lennon treo ở chỗ dành cho Phó tống thống.
Mahar trở về hàng. Chúng tôi không thể hiểu nổi nó vừa làm cái gì vì quá sợ ông Samadikun và đang mường tượng trong đầu số phận của ngôi trường mình, chắc là trường chúng tôi sẽ bị giật đổ chỉ trong phút chốc mà thôi. Ngôi trường cũ kỹ của chúng tôi, đã gần một trăm tuổi, sẽ bị giật đổ chính hôm nay. Trong lúc tinh thần chúng tôi đang bấn loạn lên như thế, ông Samadikun đột nhiên đứng trước mặt chúng tôi.
Không ai dám hó hé hay liếc ngang liếc dọc gì. Cô Mus thì run rẩy.
Ông Samadikun lấy ra tập tài liệu với bảng liệt kê những danh mục cần kiểm tra. Cặp mắt của ông lia khắp căn phòng hết góc này đến góc khác, và rồi ông ta bắt đầu hạ bút. Không nói lời nào. Mặt ông ta vẫn dữ dằn như mọi ngàỵ. Ông ta đặt tờ mẫu thanh tra trên bàn trước mặt chúng tôi. Chúng tôi có thể trông thấy những gì ông ta viết. Tại cột dành cho phấn và bàn ghế, ông ta nâng mức hôm trước E) Tệ lên C) Khá. Điểm của chúng tôi thậm chí còn cao hơn trong những cột dành cho tình trạng học sinh, nhà vệ sinh và thiết bị chiếu sáng, tủ y tế, giáo cụ trực quan. Cơ bản là không có vấn đề gì. Nhưng chúng tôi lo ngay ngáy khi ông ta dò tay đến cột biểu tượng quốc gia. Ông ta nhìn lên bên trên tấm bảng đen. Hình như ông ta phải cố lắm để có thể nhìn được lên tới trên ấy. Mắt ông ta nheo lại. Ông ta tháo cặp kính dày cộp ra, rút khăn mùi soa ra khỏi bao, chùi chùi mắt kính rồi đeo lên. Ông dụi mắt, cố nhướng mắt lên xem xét một lần nữa mấy tấm ảnh bên trên tấm bảng đen. Rồi chúng tôi lờ mờ nhận ra mưu mẹo của thằng Mahar tài năng. Nó biết ông Samadikun mắc tật cận thị nặng nên không thể nhìn rõ mấy tấm ảnh treo tít bên trên tấm bảng đen được.
Ông Samađikun quay lại chỗ tờ mẫu thanh tra. Trong cột dành cho biểu tượng quốc gia, điểm của chúng tôi được nâng từ F) Không có lên thành A) Đầy đủ một cách hết sức ngoạn mục. Ông Samadikun chẳng mảy may hay biết rằng chính quyền tối cao của nước Cộng hòa Indonesia đã bị Lý Tiểu Long và John Lennon soán mất.
Ông Samadikun cất tờ mẫu đánh giá vào túi và mỉm cười. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông ta cười. Nụ cười của ông ta tươi hơn khi trông thấy hai chiếc cúp của chúng tôi. Ông ta vẫn không nói gì, chỉ gật đầu. Rồi ông ta cáo từ. Cái gật đầu ấy có nghĩa là ông ta đã công nhận nỗ lực không mệt mỏi của chúng tôi để cố giữ ngôi trường, và rằng chúng tôi thành công trong việc tự khẳng định mình nên ông ta - hay thậm chí Bộ trưởng Giáo dục Indonesia - không thể đóng cửa trường của chúng tôi được.
Sau khi ông Samadikun đi khỏi, chúng tôi nhìn Mahar thán phục. Như thường lệ, nó phát ra cử chỉ khó ưa nhưng buồn cười đó. Nó cười với thần tượng Lý Tiểu Long của mình trên tấm áp phích thế võ rồng - chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Lý Tiểu Long cười lại với chúng tôi. Khi thằng Mahar hỏi xin cô Mus cho nó treo ảnh Lý Tiểu Long, nó đã đưa ra một lý thuyết rằng định mệnh xoay vần và rằng một ngày tấm áp phích đó sẽ được việc. Hôm nay, cái lý thuyết ngớ ngẩn đó của nó đã được chứng minh là đúng. Chương 34 - Con thỏ bị liệt ÍT NGÀY SAU chuyện thanh tra của ông Samadikun, đơn hàng biểu tượng quốc gia của chúng tôi mới đến nơi. Chúng tôi treo những biểu tượng ấy vào đúng những vị trí trang trọng theo quy định. Lý Tiểu Long và John Lennon không muốn gây chiến nữa. Hai người chấp nhận cuộc đảo chính đó trong hòa bình.
Chẳng được bao lâu. Ba ngày sau, có vài đốc công PN vào lớp xin phép cô Mus cho dỡ mấy tấm ảnh biểu tượng quốc gia xuống. Rõ ràng họ không muốn mấy cái máy xúc giật đổ các biểu tượng quốc gia để rồi bị dính líu vào kiện tụng. Họ biết rằng luật pháp bảo vệ những biểu tượng ấy; trong khi đó, chúng tôi - mười một học sinh, những cư dân bản địa Belitong, công dân Indonesia - và ngôi trường làng nghèo một trăm năm tuổi dường như chẳng là gì cả. Chẳng có luật nào phạt PN nếu họ giật đổ trường và cướp đi quyền học hành của bọn trẻ chúng tôi, và chẳng có luật pháp nào bảo vệ chúng tôi.
Ngày càng nhiều máy móc khai thác được đưa đến, hết cái này đến cái khác. Những cái máy xúc đang đến gần. Những cái máy khổng lồ, to cỡ sân bóng và cao bằng dứa, hướng những cái xúc về phía trường chúng tôi. Ngôi trường ngồi thụp xuống như con thỏ tê liệt cả thân mình khi bị một bầy linh cẩu bao quanh.
Suốt gần hai năm trời, chúng tôi luôn nơm nớp dưới áp lực từ phía ông Samadikun. Cuối cùng chúng tôi cũng thuyết phục được ông. Nhưng PN không phải thứ có thể chống lại được. Hàng trăm năm nay, không ai có thể ngáng đường họ trong việc khai thác thiếc. Nếu phải đền bù thì túi tiền của họ vô hạn. Đối với những cái máy xúc, việc đào xới vườn tược, chợ quán, nhà cửa, thậm chí cơ quan chính quyền cũng là chuyện bình thường. Một ngôi trường nghèo xiêu vẹo chỉ là chuyện vặt, chẳng hơn gì một hạt bụi dưới móng tay của PN.
Mặc dù rất mong được giữ lại ngôi trường, nhung chúng tôi cũng phải thực tế. Chúng tôi chẳng thể địch lại PN. Và vì thầy Harfan đã qua đời, tinh thần cô Mus không còn quật cường được như trước. Cô đâm ra thường xuyên hỏi chúng tôi liệu cô có thể thôi dạy chúng tôi được không. Chuyện này từ trước tới giờ chưa từng xảy ra.
Cứ đến giờ nghỉ giải lao, chúng tôi lại ngồi ủ ê nhìn một nửa sân trường đã bị phá nát. Đây là thử thách lớn nhất mà chúng tôi từng đối mặt, mỗi ngày trôi qua nỗi thất vọng trong chúng tôi lại lớn dần lên. Cô Mus nhìn chúng tôi bằng ánh mắt vô vọng. Có một điều khiến cô còn sợ hơn cả chuyện ngôi trường bị những cái máy xúc giật đổ, và thầy Harfan quá cố cũng có cùng nỗi sợ ấy. Và rốt cuộc, điều mà hai người sợ nhất đã đến.
Hôm nay là ngày thứ tư không thấy Kucai vác cái đầu to tướng của nó đến lớp. Lớp chúng tôi hỗn loạn cả lên vì thiếu chàng lớp trưởng huyền thoại. Cô Mus hỏi cha Kucai về chuyện đó, thì ông cho biết sáng nào nó cũng đến trường. Cả lớp xôn xao.
Sau khi hỏi thăm nhiều người, hóa ra Kucai theo mấy đứa làng bên cạnh đi hái tiêu thuê.
Hôm thứ Tư thằng Kukai nhận tiền công. Tối hôm đó, sau buổi học kinh Koran ở thánh đường al-Hikmah, Kucai lôi ra một nắm tiền giấu bên trong xà rông. Nó vừa liếm đầu ngón tay vừa đếm đi đếm lại chỗ tiền đó, hệt nhân viên thu ngân cửa hàng cầm đồ. Nó chả biết thừa số tiền ấy là bao nhiêu rồi. Không một lời nào thốt ra từ cái miệng tinh quái của nó. Ấy quả thật là một sự lôi kéo chết người. Lôi kéo hóa ra là biệt tài tiềm ẩn của Kucai.
Ngày hôm sau, đến lượt Samson.
Việc Samson vắng học vào ngày thứ Năm quả thật là bất thường - vì hôm nay có môn Thể dục và Sức khỏe, môn học nó yêu thích.
Chúng tôi chẳng thấy tăm hơi nó đâu trong suốt một tuần. Tối thứ Tư tuần sau đó nó đến lớp học kinh Koran với cơ thể đen trùi trũi và cơ bắp cuồn cuộn, hơn cả trước đây nữa. Nó đi làm cu li cùi dừa khô. Nó lôi từ trong xà rông ra một cái chai.
“Dầu mọc tóc mới nhất, sản xuất tại Pakistan đây!” nó nói giọng tự hào.
“Đắt lắm đấy nhé,” nó tuyên bố chắc nịch, vuốt vuốt hình một người đàn ông có râu quai nón trên chai.
“Dầu này làm bằng mồ hôi của thằn lằn đấy! Rất hiệu quả! Thậm chí tụi bay bôi lên trán thì chỗ đó cũng mọc ra tóc được đấy,” nó vừa nói vừa chà chà trán tôi.
Rồi nó mở cúc áo ra. Ôi trời ơi, quả thật là thế rồi! Ngực Samson mọc đầy lông. Hai cánh mũi nó phập phồng sung sướng khi trông thấy tôi trố mắt ra ngạc nhiên đến vậy. Nó cài cúc áo lại, khiến chúng tôi có thể thấy được môt sự thật hết sức ấn tượng rằng học sáu năm ở trường chẳng thể mua được một thứ gì, trong khi chỉ vỏn vẹn sáu ngày vác cùi dừa khô nó đã có thể mua được một thứ thuốc đặc biệt sản xuất tại Pakistan!
Ngày hôm sau, Mahar biến mất.
Rõ ràng là nó dành thêm thời gian cho công việc mài dừa của nó. Lúc đầu nó làm việc này ngoài giờ học - làm nửa thời gian, nhưng giờ thì toàn thời gian luôn. Chuyển công việc từ bán thời gian sang toàn thời gian như vậy chỉ có nghĩa là: trường ơi, từ giã nhé. Ba ngày sau, thừa lúc thầy giáo dạy kinh Koran không để ý, nó lôi thứ gì đó ra khỏi xà rông: một cái côn nhị khúc! Vũ khí tối thượng của Lý Tiểu Long! Thằng Mahar vô cùng hãnh diện. Nó đã muốn mua một cái côn nhị khúc như thế này từ lâu lắm rồi, giờ ước mơ ấy mới trở thành hiện thực.
Thật không may, bất kỳ điều gì thằng Mahar làm, ắt hẳn đồ đệ trung thành của nó - thằng A Kiong - cũng nối gót theo sau.
Một buổi sáng thứ Hai, không thấy cái chóp mũi nhòn nhọn và cái đầu hình hộp của thằng A Kiong đâu cả.
Thằng A Kiong không muốn làm xa chỗ sư phụ Mahar của nó. Nó chọn nghề bán bánh. Nó đội thau bánh trên đầu rao bán khắp chợ trong khi thằng Mahar mài dừa tại một cửa hàng của người Hoa.
Thằng A Kiong nói với tôi rằng đội mấy cái bánh ướt trên đầu thực sự có vẻ là một công việc có triển vọng.
“Mày nên làm việc này hơn là lặn xuống nước lấy mấy trái banh golf Ikal à. Bán bánh không nhọc mấy mà lại dễ kiếm, hơn nữa mày không phải đụng độ với lũ cá sấu nữa.”
Tôi nghĩ về những việc chúng tôi thường làm để kiếm tiền, lặn để lấy lên những trái golf bị đám người mới phất, nhân viên PN và những người mới tập tành chơi golf đánh rơi xuống hồ mà họ thì không thể tự mình xuống đó lấy lên được. Rồi chúng tôi bán đám banh đó cho mấy người phục dịch hội đánh golf.
A Kiong vỗ vỗ vào mấy đồng xu nơi cái túi phông phồng, từ đó phát ra tiếng kêu xủng xoẻng. Tiếng kêu đó mê hoặc tôi.
Thứ Hai tuần kế đó, tôi - Ikal - bỏ học ra chợ bán bánh.
Kể từ ngày đầu tiến đặt chân đến ngôi trường này, chúng tôi không ngớt đau buồn bởi sự trớ trêu. Sự trớ trêu mới nhất là Kucai: Lớp trưởng, người mà chúng tôi nghĩ là có thể lên tinh thần cho chúng tôi, đã bỏ học và rồi sau đó kéo theo phản ứng dây chuyền, cái phản ứng có thể khiến trường tôi không còn một đứa học sinh nào. Như tôi vẫn luôn nói bạn rồi đấy, bạn tôi ơi, đó là bản chất cơ hội của chủ nghĩa của một chính trị gia bẩm sinh.
Chỉ còn lại Sahara, Flo, Trapani, Harun, Syahdan và Lintang trong lớp. Thực ra, thằng Syahdan cũng muốn tiếp tục bám trụ, nhưng cô Mus lúc nào cũng than vãn về chuyện ra đi của thầy Harfan khiến không khí trong lớp bao trùm một màu bi quan. Chỉ với một cái huých tay của thằng Kucai, Syahdan lỉnh khỏi lớp để đi làm công việc thợ xảm thuyền.
Một đứa vẫn còn ham học, dù lốp xe mòn vẹt, dù xích xe được buộc chặt bằng dây bện nhựa, và hai lượt đi về thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị cá sấu tấn công - đó là Lintang. Nó không mảy may để ý đến mấy đứa trong lớp thi nhau trốn học và cả chuyện mấy cái máy xúc nữa. Nó vẫn cố đến lớp sớm nhất và về nhà cuối cùng.
“Tao sẽ tiếp tục học cho đến khi cây cột thiêng chống đỡ ngôi trường này đổ,” nó nói với tôi giọng chắc nịch.Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian